Bảo hiểm cháy nổ chung cư: Dân thờ ơ, chủ đầu tư phớt lờ

Gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng cháy nổ các chung cư trên địa bàn Hà Nội, gây ra không ít thiệt hại về người và của. Nhằm hạn chế thiệt hại, quy định nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã được ban hành, song vẫn ít nơi thực hiện.
Với chung cư , việc mua bảo hiểm để tránh thiệt hại tài sản khi xảy ra cháy nổ là cần thiết.Ảnh Internet.
Biết không mua
Hiện nay, đối với bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư nói riêng và bảo hiểm cháy nổ nói chung, các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. Ví dụ: Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30-12-2010 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư liên tịch 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006; Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22-5-2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...
Theo khảo sát của phóng viên, ở một số chung cư cao cấp, thông thường ngay sau khi tiến hành bàn giao nhà chủ đầu tư sẽ ráo riết yêu cầu cư dân thực hiện các quy định về bảo hiểm cháy nổ, thậm chí có nơi ban quản lý tòa nhà gây sức ép bằng cách cắt điện, nước khiến người dân không mua không được.
Ngược lại vẫn còn khá nhiều chung cư (chủ yếu là chung cư bình dân) cả chủ đầu tư, ban quản lý tòa tỏ ra lơ là hoặc không tham gia bảo hiểm để tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí đóng góp. Ngay cả những chung cư đã từng có những sự cố về cháy nổ khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ, không ít đơn vị chủ sở hữu, quản lý nhà chung cư dù biết nhưng phớt lờ vì cho rằng các tòa nhà đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng (phần khung của toà nhà) nên phần diện tích trong khu nhà người dân phải tự mua và cho rằng điều đó không bắt buộc.
Ngược lại về phía người dân, nhiều cư dân cho rằng trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về đơn vị chủ đầu tư vì tiền bảo hiểm này đã được tính trong giá bán nhà. Hơn nữa, người dân đã phải nộp phí bảo trì nên chủ đầu tư có thể trích một phần để mua bảo hiểm cho các căn hộ.
Theo bà Phùng Thị Thanh- Chuyên viên tư vấn bán hàng cấp cao của hãng bảo hiểm Manulife, hiện có nhiều gói bảo hiểm cháy nổ chung cư với giá cả từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, qua thực tế đi tư vấn khách hàng, bà Thanh cho rằng với khu vực nhà ở thuộc sở hữu cá nhân, người dân vẫn mang nặng tâm lý may rủi và cho rằng cháy chẳng qua là do xui rủi trúng ai thì người đó chịu và chưa quan tâm đến các biện pháp bảo vệ chính mình gồm có bảo vệ nguy cơ cháy nổ (giăng mắc điện tùy tiện, để các vật dễ cháy gần khu vực bếp...), bảo vệ các tổn hại tài chính (mua bảo hiểm là một hình thức bảo vệ tài chính).
Mua không tác dụng?
Theo quy định, các tòa nhà chung cư là đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nghị định số 52/2012/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đã quy định rõ, cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định; Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành sẽ bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng. Quy định rõ ràng là vậy nhưng hiện nay chế tài xử phạt và việc giám sát tuân thủ tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các tòa nhà, khu chung cư từ cơ quan chức năng còn chưa khắt khe nên tình trạng không tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vẫn tồn tại.
Thực tế, không phải cứ mua bảo hiểm hỏa hoạn cho nhà chung cư là được phía bảo hiểm bồi thường tất cả khi có sự cố xảy ra. Lấy ví dụ về những vụ cháy nổ xe tại hầm để xe chung cư, đa số những vụ việc này, ngay cả khi ban quản trị chung cư đã mua bảo hiểm cháy nổ nhưng nếu không có điều khoản bổ sung trách nhiệm đối với tài sản trông giữ thì công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với những tài sản của chủ đầu tư. Xe gửi trong hầm không phải là tài sản của chủ đầu tư nên không thuộc phạm vi bảo hiểm của công ty bảo hiểm mà thuộc trách nhiệm của quản lý tòa nhà.
Mặt khác, theo phản ánh của nhiều hộ dân đã mua bảo hiểm cháy nổ, hồ sơ thủ tục để hưởng bồi thường từ phía cơ quan bảo hiểm khá phức tạp, nhiều quy định còn làm khó người dân. Chị Trần Hải (cư dân khu chung cư Xa La – Hà Đông) cho biết, sau khi xảy ra thiệt hại về cháy nổ, bên bảo hiểm yêu cầu thông báo bằng văn bản với chứng thực của phía cơ quan điều tra không quá 3 ngày. Tuy nhiên theo chị Hải, để có biên bản xác nhận cũng như chứng thực của cơ quan công an trong thời gian ngắn như thế là rất khó.
Với trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do người thứ ba gây ra, khách hàng phải báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm và làm các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo lưu quyền khiếu nại của doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đòi người thứ ba. Theo Luật sư Nguyễn Hưng (Văn phòng Luật sư Light), trường hợp này không dễ đòi bởi đơn vị kinh doanh bảo hiểm không có nhiều thẩm quyền như các cơ quan hành pháp để có thể dễ dàng đòi bồi thường từ người thứ ba gây ra thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Hưng cũng đánh giá, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ phía người dân, còn phải bàn đến những vướng mắc nội tại của hoạt động kinh doanh bảo hiểm bởi thủ tục thực hiện bảo hiểm cháy nổ còn nhiều chồng chéo, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm.
Việc mua bảo hiểm cháy nổ chỉ đơn thuần là hình thức bảo vệ tài sản cho người dân khi trường hợp xấu nhất xảy đến. Chính người dân cũng như chủ đầu tư, ban quản lý tự trang bị cho bản thân những kiến thức bổ ích về phòng cháy chữa cháy. Điều đó không chỉ bảo vệ được giá trị tài sản của chính mình mà còn mang ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và xã hội.

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi  Đường dây nóng: 0942.825.711.
Bài cùng chủ đề: :

0 nhận xét :

Đăng nhận xét